Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 70% bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi ở người có nguồn gốc từ động vật, mà chủ yếu từ động vật hoang dã.
Săn lùng “đặc sản” núi rừng
Nhiều người vẫn còn ưa chuộng thịt thú rừng thuộc loại hoang dã nguy cấp, quý, hiếm vào các dịp lễ hay sự kiện đặc biệt như ngày Tết với quan niệm thưởng thức món “vừa độc vừa lạ” và “sạch”.
Để chuẩn bị tiếp khách cho cuộc gặp mặt tất niên, anh K. (Hà Nội) không ngại ngần chi 5 triệu đồng đặt một con cầy hương từ Nghệ An. Anh chia sẻ cầy hương do người dân vùng núi “đi săn” nên có giá đắt đỏ hơn.
“Nhưng phải đúng là hoang dã, tự nhiên như vậy mới ngon. Nếu là cầy hương nuôi giá sẽ rẻ hơn nhưng sẽ không ngon bằng”, anh K. nói.
Đặc sản heo rừng thì phổ biến trên thị trường hơn. Nhiều gia đình cũng lựa chọn đặt chung heo rừng để về cùng nhau giết mổ ăn trong dịp Tết. Các loại heo rừng phổ biến từ các tỉnh Hòa Bình, Tuyên Quang, Điện Biên…
Điều đáng nói, nhiều người cho rằng do thịt heo rừng hoang dã nên có thể ăn tiết canh, ăn thịt tái sống thoải mái vì đây là “thực phẩm sạch”.
Trong khi đó, theo các chuyên gia một số mầm bệnh phổ biến và đặc biệt nguy hiểm vẫn xuất hiện trên động vật hoang dã và có khả năng gây bệnh cho con người, như vi rút cúm A/H5N1 được phát hiện trên cầy hương, hay liên cầu khuẩn trên lợn rừng…
Mới đây, một người đàn ông tại Nam Định đã tử vong do nhiễm liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh trong buổi liên hoan tất niên.
Mặc dù nguy cơ nhiễm liên cầu lợn do ăn tiết canh đã được cảnh báo rất nhiều thế nhưng hằng năm vẫn ghi nhận nhiều trường hợp tử vong do căn bệnh này.
Nguy cơ nhiễm bệnh từ động vật hoang dã
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, việc sử dụng các loại động vật hoang dã làm thực phẩm tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh.
“Việt Nam là nước nhiệt đới, chúng ta có hệ sinh thái động vật hoang dã rất phong phú. Nhiều người cho rằng động vật hoang dã, sinh tồn tự nhiên sẽ bổ hơn, nhiều dinh dưỡng hơn hay đảm bảo an toàn hơn. Tuy nhiên đây là quan điểm không đúng.
Vật nuôi được nuôi đảm bảo từ con giống, thức ăn… sẽ được kiểm soát dịch bệnh tốt hơn, đảm bảo an toàn hơn. Trong khi đó, động vật hoang dã sống trong tự nhiên có thể mang nhiều mầm bệnh như dịch hạch, bệnh cúm gia cầm, hay các liên cầu lợn, sán dây lợn không được kiểm soát”, ông Cấp thông tin.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) và GlobeScan thực hiện năm 2021 tại Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Nhật Bản, Trung Quốc và Hoa Kỳ, cho thấy 7% tổng số người được hỏi khẳng định họ hoặc một người mà họ quen biết đã mua sản phẩm từ động vật hoang dã tại các khu chợ bán động vật hoang dã trong 12 tháng qua.
Tỉ lệ này cao hơn ở Việt Nam với 14%. Đáng chú ý, 9% trong tổng số người trả lời đã mua các sản phẩm từ động vật hoang dã chia sẻ họ có thể và sẽ mua lại sản phẩm động vật hoang dã trong tương lai.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Hoàng Bích Thủy, trưởng đại diện Wildlife Conservation Society, Văn phòng Việt Nam (WCS Việt Nam), cho hay trong hơn 10 năm qua (2010 đến nay), WCS Việt Nam đã phối hợp với các đối tác trong nước thực hiện các nghiên cứu về những mầm bệnh có nguy cơ lây truyền giữa người và động vật trên nhiều loài động vật hoang dã khác nhau.
“Kết quả các nghiên cứu chúng tôi thu được là 46 vi rút có nguy cơ lây truyền giữa người và động vật được phát hiện trên một số loài động vật hoang dã khác nhau và cả trên người trong đó có 26 vi rút mới, chưa từng được phát hiện trước đây và 20 vi rút đã biết.
Vì vậy, để giảm thiểu rủi ro lây truyền dịch bệnh giữa người và động vật, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện các quy định về kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh lây truyền giữa người và động vật.
Bên cạnh đó, bản thân mỗi người dân cũng cần nâng cao nhận thức về rủi ro lây truyền dịch bệnh giữa người và động vật hoang dã để chủ động lựa chọn và kiểm soát các hành vi tiếp xúc trực tiếp với động vật hoang dã”, bà Thủy khuyến cáo.