Phẫu thuật khẩn cứu nạn nhân thủng tim do tai nạn lao động

Nạn nhân đang được chăm sóc theo dõi sau phẫu thuật - Ảnh: BV cung cấp

Nạn nhân đang được chăm sóc theo dõi sau phẫu thuật - Ảnh: BV cung cấp

Nạn nhân đang được chăm sóc theo dõi sau phẫu thuật – Ảnh: BV cung cấp

Một ngày trước đó, anh N.V.T. (31 tuổi, ở quận Ô Môn, Cần Thơ) được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, vật vã, tím tái do vết thương trên ngực trái. Ngay khi nhận cấp cứu, ê kíp đã lập tức thiết lập đường truyền khẩn truyền dịch, giảm đau và cho nạn nhân hỗ trợ thở oxy.

Tình trạng nạn nhân lúc này mạch, huyết áp không đo được, bác sĩ thăm khám thấy vết thương rộng 1,5cm ở cạnh vùng mũi kiếm xương ức trái, vết thương ở vùng cẳng tay trái…; kết quả siêu âm thấy tràn dịch màng tim lượng nhiều, dấu hiệu chèn ép tim cấp.

Ê kíp hội chẩn bệnh viện khẩn và chỉ định mổ cấp cứu. Với sự phối hợp chặt chẽ của các ê kíp hồi sức cấp cứu, phẫu thuật – gây mê hồi sức và ngoại lồng ngực đã kịp thời cứu sống nạn nhân.

Các bác sĩ tiến hành mở ngực trái vào khoang màng phổi thấy màng ngoài tim căng cứng, trong màng tim có khoảng 1.000ml máu cục và loãng. 

Vết thương gây thủng tim ở tâm thất phải sát mỏm tim (cách 1cm). Sau khi lấy hết máu trong khoang màng tim, các bác sĩ khâu vết thương tim, cầm máu vết mổ và đặt dẫn lưu màng phổi.

Theo người nhà bệnh nhân, trong lúc đang cắt tấm tôn, mảnh tôn rơi va đập xuống nền nhà, anh T. bị một mảnh sắc nhọn bật lên ghim vào ngực, gây vết thương ở vùng xương ức. 

Ngay sau đó anh bị choáng và bất tỉnh, được gia đình đưa đến sơ cứu tại Bệnh viện Đa khoa quận Ô Môn, chuyển tuyến đến Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ.

Bác sĩ khuyến cáo đây là một trường hợp vết thương tim nguy hiểm, do máu chảy từ buồng tâm thất phải ra khoang màng tim với khối lượng nhiều gây chèn ép tim. Nếu không cấp cứu kịp thời, nạn nhân sẽ tử vong do tim bị chèn ép gây ngưng tim. Vì vậy cần đưa nạn nhân đến ngay bệnh viện cấp cứu khi tai nạn xảy ra.