Nhật Bản giới hạn “hóa chất vĩnh cửu” PFAS trong thực phẩm

PFAS tích tụ bên trong cơ thể con người và gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm

Con người nhiễm PFAS khi vô tình hít phải bụi bẩn, tiêu thụ hoặc tiếp xúc với thực phẩm đóng gói bằng vật liệu chứa PFAS.

Ủy ban An toàn thực phẩm Nhật Bản vừa công bố dự thảo quy định cụ thể lượng hóa chất PFAS mà một người có thể tiếp nhận hằng ngày, sau một loạt phát hiện về tác động nguy hiểm của chúng đối với sức khỏe con người.

PFAS tích tụ bên trong cơ thể con người và gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm
PFAS tích tụ bên trong cơ thể con người và gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm – (Ảnh: GETTY IMAGES).

PFAS là viết tắt của các chất per- và polyfluoroalkyl. Chúng là một nhóm hóa chất tổng hợp phổ biến thường được dùng để tạo ra sản phẩm chịu nhiệt, dầu và nước.

PFAS có mặt trong mọi thứ: mỹ phẩm, thực phẩm, dụng cụ nấu ăn, giấy vệ sinh, quần áo, màn hình điện thoại, cốc nhựa, bông ráy tai…

PFAS rất khó phân hủy. Chúng tồn tại trong cơ thể con người cũng như môi trường trong nhiều năm, do đó chúng được gọi là “hóa chất vĩnh cửu”.

Theo nghiên cứu của Cơ quan Quản lý Chất độc và Bệnh tật Mỹ (ATSDR), một số hóa chất PFAS có khả năng gây ung thư thận và tinh hoàn, làm tăng cholesterol trong máu, giảm trọng lượng của trẻ sơ sinh và khiến vắc xin trở nên suy yếu.

Chúng còn gây ra một số biến chứng trong lúc mang thai và thay đổi men gan.

Con người nhiễm PFAS khi vô tình hít phải bụi bẩn, tiêu thụ thực phẩm được sản xuất gần những nơi sử dụng, sản xuất PFAS hoặc tiếp xúc với thực phẩm đóng gói bằng vật liệu chứa PFAS.

Theo dự thảo, “hàm lượng tiêu thụ hằng ngày có thể chấp nhận được” (TDI) của 2 loại hợp chất PFAS được sử dụng phổ biến nhất trong thực phẩm (PFOA và PFOS) là 20 nanogram (ng) trên mỗi kg trọng lượng cơ thể.

Các chuyên gia ước tính người dân Nhật Bản tiêu thụ PFOA khoảng 0,6 – 1,1ng/kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày, đối với PFOS là 0,066 – 0,75ng/kg trọng lượng cơ thể.

Mặc dù con số nói trên thấp hơn nhiều so với TDI được đặt ra nhưng dữ liệu về PFAS trong thực phẩm vẫn còn thiếu sót nên rất có thể chúng sẽ thay đổi trong tương lai.

Hiện tại, Nhật Bản quy định giới hạn PFAS trong nước uống là 50ng/lít.

Quy định tạm thời này được đưa ra vào năm 2020, dựa trên giá trị TDI là 20ng/kg trọng lượng cơ thể/ngày đối với 2 loại hóa chất PFOS và PFOA. Điều này đồng nghĩa với việc giới hạn PFAS chính thức có thể sẽ không thay đổi nhiều trong tương lai.

Chúng ta chưa có cách nào tránh hoàn toàn cũng như nhận biết PFAS trong đời sống thường nhật. Tuy nhiên, chúng ta có thể thay đổi thói quen sinh hoạt để hạn chế tiếp xúc với PFAS.

Bắt đầu bằng việc thay đồ dùng nhà bếp có lớp phủ chống dính bằng những sản phẩm làm từ gang, thép không gỉ, thủy tinh hoặc tráng men.

Hạn chế sử dụng hộp nhựa, hộp xốp, giấy gói thực phẩm và màng bọc thực phẩm.

Tuyệt đối không uống nước chưa qua xử lý. Nếu có thể, hãy sử dụng bộ lọc than hoạt tính để lọc nước.