Các nhà khoa học cho rằng những người thường xuyên ngoáy mũi có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn so với thông thường, bởi họ vô tình để vi khuẩn xâm nhập mà không hề hay biết.
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Western Sydney (Úc) đăng tải trên tạp chí Biomolecules vào tháng 12-2023, “phản ứng viêm thần kinh của bệnh Alzheimer có thể xuất phát từ vi rút, vi khuẩn và nấm mang mầm bệnh xâm nhập vào não qua mũi và hệ thống khứu giác”.
Thói quen ngoáy mũi thường xuyên trong y học được gọi là ngoáy mũi mãn tính (rhotillexomania).
Hành vi này đưa vi trùng đến khoang mũi, cho phép chúng dễ dàng xâm nhập và gây viêm não (nhiễm trùng não) – giai đoạn khởi phát của bệnh Alzheimer.
Những nghiên cứu mới nhất cũng ủng hộ lý thuyết này: vi trùng phát triển quá mức trong khoang mũi có thể là nguyên nhân gây ra nhiễm trùng não nhẹ và mãn tính.
Nhiễm trùng não hầu như không có triệu chứng bên ngoài nên rất khó để phát hiện sớm. Tình trạng này âm thầm tạo ra những mảng protein có hại, góp phần gây ra các bệnh thoái hóa thần kinh như Alzheimer.
Ngoài ra, các nhà khoa học còn nhận thấy bên trong não của những bệnh nhân Alzheimer tích tụ một loại protein gọi là tau. Chúng có liên quan đến phản ứng miễn dịch của cơ thể.
Tế bào miễn dịch hoạt động thường xuyên sẽ khiến cơ thể con người trở nên căng thẳng, dẫn đến nhiều loại bệnh khác.
Các bác sĩ từng tìm thấy vi khuẩn gây viêm phổi, vi rút herpes, vi rút corona và ký sinh trùng toxoplasma gondii trong não người mắc bệnh Alzheimer.