Thực tế để người bệnh từ khâu đi khám bảo hiểm y tế (BHYT) đến khi cầm được thuốc BHYT phải mất cả buổi sáng, thậm chí qua buổi chiều.
Rút ngắn thời gian đăng ký khám bệnh và nhận thuốc BHYT là mong muốn từ lâu của người bệnh. Các bệnh viện đã triển khai nhiều giải pháp khác nhau để giải quyết “bài toán” này, nhưng…
Ám ảnh chờ đợi
Khám bệnh phải chờ đợi lâu là một trong những vấn đề ám ảnh người bệnh có BHYT mỗi khi đến bệnh viện. Đây cũng chính là điều người bệnh than phiền nhiều nhất khi có ý kiến khảo sát, trong đó đặc biệt là khâu làm thủ tục khám BHYT và khâu đăng ký khám.
Gần 11h trưa, ngồi tại khu vực chờ khám bệnh đợi kết quả xét nghiệm máu cho con mắc bệnh đái tháo đường đã biến chứng suy tim, suy thận, ông H.P. (56 tuổi, Bình Thạnh) cho biết đây cũng là tình cảnh thường ngày mỗi lần đưa con đi khám BHYT.
Đều đặn mỗi tháng ông P. phải đưa con đến bệnh viện thăm khám và lấy thuốc. Mỗi lần đi là một nỗi “ám ảnh” với ông vì thời gian chờ đợi rất lâu, sớm thì mất nửa buổi, muộn thì phải đợi đến cuối giờ chiều.
Để được về ngay trong buổi sáng, mỗi lần đến bệnh viện thăm khám hai cha con ông P. phải tranh thủ dậy sớm lúc 5h30 để chuẩn bị đồ đạc đến bệnh viện chờ bốc số. Mặc dù bốc số khám sớm nhưng đợi đến lượt mình cũng phải đợi chờ ít nhất là nửa tiếng đồng hồ.
“Mỗi lần đến bệnh viện là tôi xác định hôm đó sẽ mất nửa ngày, hôm nào muốn khám xong sớm trong buổi sáng là phải tranh thủ đi sớm. Khâu chờ đợi lâu nhất vẫn là đợi kết quả xét nghiệm, tôi mong muốn có thể giảm được thời gian chờ đợi để người bệnh BHYT không còn vất vả”, ông P. tâm sự.
Cũng mất cả buổi sáng mới nhận được thuốc sau thăm khám BHYT tại Bệnh viện quận Gò Vấp, nhưng ông N.V.T. (66 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) khá hài lòng khi bác sĩ tận tình.
Ông T. chia sẻ từ 8h sáng 18-1 đã đến Bệnh viện quận Gò Vấp (TP.HCM) khám vì chuột rút, kèm bệnh nền đái tháo đường. Sau thăm khám, lấy máu xét nghiệm, đến hơn 11h cùng ngày ông mới tới quầy “phát thuốc BHYT ngoại trú” để chờ tới lượt lấy thuốc.
Ông T. thấy khoảng thời gian đợi lâu nhất là chờ kết quả xét nghiệm, tiếp đến là khâu đăng ký khám BHYT. Tuy nhiên, ông T. không phàn này điều này và cho biết sẽ quay lại tái khám theo lịch hẹn.
“Khâu chờ kết quả xét nghiệm tốn nhiều thời gian lắm, nhưng tôi hiểu các bác sĩ không làm gì khác được vì còn phụ thuộc máy móc chạy để ra kết quả.
Tại quầy đăng ký khám BHYT có thời điểm đông bệnh nhân nhưng thái độ nhân viên y tế tại bệnh viện vẫn niềm nở, thắc mắc gì đều hướng dẫn nhiệt tình. Chỗ ngồi chờ đợi cũng nhiều, không gian thoáng, có quạt mát”, ông T. hài lòng nói.
Vì thấy người nhà của mình mỗi khi khám bệnh bằng BHYT phải chờ đợi lâu, chị P.T. (27 tuổi, ngụ TP.HCM) dù có thẻ BHYT đăng ký khám ban đầu tại bệnh viện địa phương nhưng chị thường chọn khám dịch vụ, nếu bệnh nhẹ thì mua thuốc bên ngoài về uống cho nhanh.
Đơn giản hóa thủ tục, tránh phiền hà cho người bệnh
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Nguyễn Minh Bằng – phó trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) – cho biết hiện nay vẫn có tình trạng người dân bệnh nhẹ nhưng do không tin tưởng tay nghề chuyên môn bác sĩ tuyến dưới đã đổ về tuyến trên để thăm khám.
Điều này gây quá tải và kéo dài thời gian chờ đợi khi thăm khám BHYT. Nhiều trường hợp thấy người thân điều trị tuyến trên tốt, bạn bè giới thiệu đã lên thẳng tuyến trên gây quá tải.
“Người bệnh nhẹ có thể trực tiếp thăm khám trước tại tuyến y tế cơ sở. Trường hợp vượt quá khả năng điều trị, người bệnh sẽ được chuyển tuyến để tránh tình trạng quá tải, chờ đợi lâu”, bác sĩ Bằng nói.
Để giảm được thời gian chờ đợi cho người bệnh tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, bác sĩ Bằng cho hay đã triển khai nhiều giải pháp công nghệ phục vụ người bệnh: đăng ký khám bằng dấu vân tay, đặt lịch hẹn online đến giờ có thể vô thẳng phòng khám tại bệnh viện, liên kết ngân hàng mở thẻ khám bệnh thông minh…
Đối lập hình ảnh bệnh nhân khám BHYT xếp hàng chờ đợi tại các bệnh viện tuyến cuối thì các bệnh viện tuyến quận, huyện thưa thớt hơn.
Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn (TP.HCM), bác sĩ Nguyễn Thị Trúc Chi – trưởng phòng kế hoạch tổng hợp của bệnh viện – cho biết trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận thăm khám 1.400 – 1.500 lượt bệnh nhân, trong đó khám BHYT chiếm 85%.
Thời gian trung bình mỗi bệnh nhân hoàn tất khám bệnh cho đến nhận thuốc tại bệnh viện là khoảng 30 phút, chưa tính thời gian xét nghiệm. Hy hữu trường hợp bệnh nhân không khám kịp trong buổi sáng là họ đến bệnh viện trễ hoặc hệ thống mạng bị lỗi.
Để có kết quả này, bệnh viện đã sắp xếp khu tiếp nhận bệnh đến các phòng thực hiện khám cận lâm sàng (siêu âm, đo điện tim, xét nghiệm máu, chụp X-quang), thu tiền, phát thuốc… gần nhau nên rút ngắn được thời gian di chuyển cho bệnh nhân.
Bên cạnh đó, việc áp dụng nhận bệnh bằng thẻ căn cước công dân gắn chip đã hỗ trợ cho việc kiểm tra hồ sơ của bệnh nhân. Bệnh viện cũng tăng cường nhân sự về khoa khám bệnh với mỗi phòng khám có hai bác sĩ, thay vì trước đây chỉ có một.
Trước thực trạng người bệnh khám BHYT còn phải chờ đợi lâu, bác sĩ Bằng đưa ra giải pháp là các bệnh viện phải ứng dụng công nghệ thông tin ở mọi khâu khám bệnh, tăng cường thêm nhân viên y tế.
Đối với tuyến y tế cơ sở cần tập trung nâng cao tay nghề chuyên môn, ưu tiên chế độ để các bác sĩ học tập nâng cao trình độ, tăng cường hội chẩn chuyên khoa giữa tuyến trên và tuyến dưới…